Người xưa dạy: mỗi ngày uống mấy chén trà, quanh năm chẳng phải gặp thầy thuốc

NGUYỄN ĐỨC ĐENG 25/11/2019

Uống trà với người Việt là cái đạo đối nhân xử thế, là cái tình giữa người với người, là sự bình đẳng giữa chủ và khách, ngoài ra uống trà còn là cái đạo dưỡng sinh. 

Nguồn gốc của Trà và Trà Đạo

Trà có nguồn gốc lâu đời, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trà có nguồn gốc từ vùng Lĩnh Nam, tức vùng Nam Trung Quốc và Việt Nam ngày nay. Để biết chính xác thì còn chờ có đủ chứng thực khảo chứng. Nhưng từ những tài liệu cổ còn sót lại thì trà có từ trước thời Tần Hán, được trồng và chế biến ở đất Ba Thục (Tứ Xuyên ngày nay). Cố Viêm Vũ có viết: “Sau khi người Tần chiếm Ba Thục, bắt đầu có việc uống trà”.

Trước tác vĩ đại, sớm nhất, đầy đủ nhất, chi tiết nhất về trà là cuốn “Trà kinh” của Lục Vũ đời Đường. Trà kinh là luận thuật tổng hợp về lịch sử, nguồn gốc, hiện trạng và kỹ thuật sản xuất trà cũng như nghệ thuật uống trà, nguyên lý trà đạo, luận thuật về văn hóa trà, đưa việc uống trà thông thường nâng lên thành nghệ thuật, văn hóa trà tuyệt diệu.

Lục Vũ sinh năm 733, từ nhỏ nương thân cửa Phật, hiếu học đa tài, học vấn tinh thâm, văn thơ giỏi, là người thanh cao không màng danh lợi, đã từng được mời làm Thái tử Thái học nhưng không nhận.

Năm 21 tuổi, ông quyết tâm viết Trà kinh, đi du ngoạn khảo sát khắp các vùng trồng và sản xuất trà. Trải qua hơn 10 năm khảo sát 32 châu, cuối cùng ông ẩn cư ở Thiều Châu (Chiết Giang ngày nay) chuyên tâm nghiên cứu và trước tác Trà kinh. Đến năm ông 47 tuổi mới hoàn thành bộ Trà kinh. Lục Vũ được người đời sau tôn xưng là Trà Thánh.

Sau khi Trà kinh ra đời, người các đời sau cũng có các trước tác chuyên về trà như “Trà lục” của Thái Tương đời Tống, “Đại quan trà luận” của Tống Huy Tông, “Trà phổ” của Tiền Xuân Niên đời Minh, “Trà lục” của Trương Nguyên đời Minh và “Trà sử” của Lưu Nguyên Trường đời Thanh…

Có thể thấy đến đời Tống, trà đã rất phổ biến và được nâng lên thành nghệ thuật, được các tao nhân mặc khách, các tăng nhân đạo sỹ thưởng thức, vừa là nghệ thuật thanh cao, vừa là hình thức tu tâm dưỡng tính, thanh khiết tâm hồn, tịnh hóa thân thể.

Chúng ta cùng thưởng thức trà qua bài thơ “Trà” của ẩn sỹ Lâm Bô một cao nhân nhã sỹ được người đương thời tôn kính gọi là Hòa Tĩnh tiên sinh:

Thạch niễn khinh phi sắt sắt trần,
Nhũ hương phanh xuất Kiến khê xuân.
Thế gian tuyệt phẩm nhân nan thức,
Nhàn đối “Trà kinh” ức cổ nhân

Dịch thơ:

Cán đá nhẹ bay giống bụi trần,
Hương trà thanh mát nước suối xuân.
Tuyệt phẩm nhân gian người khó biết,
“Trà kinh” nhàn đọc nhớ cổ nhân.

Trà kinh là luận thuật tổng hợp về lịch sử, nguồn gốc, hiện trạng và kỹ thuật sản xuất trà cũng như nghệ thuật uống trà. (Ảnh: Pinterest)

Từ thời Tống, trà đã trở thành một hình thức tu tâm dưỡng tính của những người tu luyện. Tiên sinh Hòa Tĩnh ẩn cư tu Đạo trên núi, sống một mình thanh tu, bầu bạn với hoa mai, tiên hạc và trà. Qua bài thơ của ông chúng ta có thể thấy, ông tự tay chế trà, dùng trục cán bằng đá nhẹ nhàng cán nhanh như bay khiến bột trà bay lên rơi xào xạc như bụi trần.

Mùi hương trà thơm thanh mát, khoan khoái như nước suối Kiến Khê mùa xuân. Cảnh giới người tu Đạo say đắm với cái đẹp của thiên nhiên, cái thanh khiết tao nhã của trà, chính là tuyệt phẩm chốn nhân gian mà người cõi nhân gian khó mà biết được.

Thời Tống còn có một thi nhân cả đời nghiên cứu, thưởng thức trà, được coi là Trà Thần, đó là Lục Du, ông đã từng nói về mình: “Lục thập niên gian vạn thủ thi” (Trong 60 năm làm được vạn bài thơ), chỉ riêng tập thơ “Kiếm Nam thi cảo” hiện còn lại đã có trên 9300 bài, trong đó thơ về trà trên 320 bài. Chúng ta cùng thưởng thức bài thơ “Tuyết hậu tiên trà” (Sau khi tuyết tan nấu trà):

Tuyết dịch thanh cam trướng tỉnh tuyền,
Tự huề trà táo tựu phanh tiên,
Nhất hào vô phục quan tâm sự,
Bất uổng nhân gian trú bách niên.

Dịch thơ:

Tuyết tan thanh ngọt suối nước trong,
Trà bếp bày ra chuẩn bị xong,
Sự đời bỗng chốc tâm chẳng gợn,
Trăm năm chẳng uổng cũng chẳng mong

Từ thời Tống, trà đã trở thành một hình thức tu tâm dưỡng tính của những người tu luyện. (Ảnh: Tinh Hoa)

Cũng như tiên sinh Hòa Tĩnh, Trà Thần Lục Du có phong thái phiêu nhiên thoát tục, tránh xa chốn danh lợi cõi phàm trần, hòa mình vào thiên nhiên, thưởng thức cái đẹp của thiên nhiên, thưởng thức trà, và dùng trà là một hình thức tu tâm dưỡng tính.

Tuyết vừa mới tan, đất trời thanh khiết tinh khôi lành lạnh, dòng nước suối trong vắt, ngọt như nước cam lồ dâng lên ở con suối trong núi vắng. Một mình đến bờ suối, bắc bếp lấy nước suối đun nước pha trà.

Suối trong tinh khôi, trà thơm thanh khiết, bên tuyết trắng lửa hồng, thưởng thức chén trà thơm ngát, tinh khiết. Bao nhiêu sự việc cõi nhân gian, bao nhiêu phiền não, lo nghĩ bay biến hết, trong lòng tĩnh lặng mặt nước tĩnh, chẳng mảy may vẩn chút tục trần.

Sống chân thật với bản tính, với thiên nhiên, chính là quay về với Đạo, phản bổn quy chân, thật chẳng uổng phí những năm sống trong cõi phàm trần này, không bị cái mê của danh lợi tình chốn nhân gian trói buộc.